Giáo dục giúp trẻ mài giũa tính kiên cường

Thứ tư - 06/10/2021 10:53
GD&TĐ - Trong văn hóa Nhật Bản, tính kiên cường, tức khả năng đứng dậy sau vấp ngã, là chìa khóa nuôi dưỡng nhân cách tốt đẹp. Trẻ em được giáo dục tính kiên cường từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Giáo dục giúp trẻ mài giũa tính kiên cường

Giáo viên khuyến khích học sinh làm việc chăm chỉ để thành công.

Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần

Trên thực tế, trong hệ thống giáo dục Nhật Bản, kiên cường không phải một môn học được cụ thể hóa, có giáo án hay bài tập rõ ràng. Tuy nhiên, giáo viên sẽ thầm lặng giúp trẻ trau dồi. Kiên cường được hiểu là chăm chỉ, không ngừng cố gắng vượt qua thất bại để đến với thành công.

Mỗi học sinh Nhật Bản đều được dạy về câu tục ngữ “Nana korobi ya oki”, có nghĩa là “ngã bảy lần, đứng dậy tám lần”. Câu tục ngữ này khuyến khích mỗi người rèn luyện tính kiên cường. Không chỉ làm việc hướng tới thành công, trẻ em phải ghi nhớ rằng cần tiếp tục cố gắng, thúc đẩy bản thân bất kể chướng ngại vật cản đường.

Chị Kate Lewis, nhà văn tự do người Mỹ sống tại Nhật Bản, cho biết: Trước khi tôi leo núi Phú Sĩ, một bạn người Mỹ nói với tôi rằng: “Good luck!” (Chúc may mắn). Từ đó, tôi bỗng nhiên nhận ra sự khác biệt lớn trong suy nghĩ của người Mỹ và người Nhật khi gặp thách thức trong cuộc sống.

Trước kỳ thi hay buổi thuyết trình quan trọng, người Mỹ có thể chúc nhau may mắn nhưng trong trường học tại Nhật, thầy cô dùng: “Ganbatte”, nghĩa là “Hãy cố gắng hết sức nhé!”.

Tại nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, người lớn thường khuyến khích trẻ em bằng cách: “Con thật thông minh”. Nhưng nghiên cứu năm 2013 của chuyên gia Trường Đại học Chicago và Đại học Stanford, chỉ ra nên khen ngợi trẻ em về sự cố gắng.

Chẳng hạn, “Con đã làm việc rất chăm chỉ”. Phương pháp này đã được áp dụng trong văn hóa nuôi dạy trẻ em Nhật Bản từ lâu đời. Người lớn sẽ khen ngợi nỗ lực thay vì gán kết quả với may mắn hay khả năng thiên bẩm.

Một trong những bí quyết khích lệ trẻ em Nhật Bản nỗ lực là sức mạnh của từ “chưa”. Thay vì nói, “Cháu không biết”, “Cháu không hiểu”, “Cháu không làm được”, các em nói “Cháu chưa làm được việc này”.

“Không” tức là từ bỏ nhưng “chưa” chỉ mang tính tạm thời. Những gì hiện nay chưa biết sẽ được các em cố gắng tìm hiểu và hoàn thành trong tương lai. Đây được coi là sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của người dân xứ sở hoa anh đào.

Sự gan góc

Thay vì giới hạn trẻ bằng cách nói về những gì chúng đã có, giáo dục khuyến khích trẻ tin rằng tiềm năng của con người là vô hạn. Các em có thể làm bất cứ điều gì yêu thích miễn là chăm chỉ và nỗ lực. Bằng cách khen ngợi nỗ lực, người lớn sẽ thúc đẩy trẻ làm việc năng suất hơn nữa.

Tại Nhật Bản, học sinh ở mọi trình độ cùng nhau học tập, tham gia câu lạc bộ trong trường. Trong cuốn sách Grit, nhà tâm lý học Angela Duckworth chỉ ra rằng, hệ thống trường học Nhật Bản là mô hình giảng dạy tính kiên cường. Hay dùng đúng từ như tác giả Duckworth là “grit”, sự gan góc.

Nữ tác giả cho biết: “Thay vì xếp loại trẻ em, trường học Nhật Bản lan tỏa niềm tin rằng bạn sinh ra như nào không quan trọng. Quan trọng là những gì bạn làm”.

Điều này khác với hệ thống giáo dục tại Mỹ, nơi trẻ em được làm bài kiểm tra đánh giá năng lực từ mẫu giáo để xếp loại vào chương trình dành cho trẻ năng khiếu. Nhiều em, do ỷ vào năng lực cá nhân, trở nên tự kiêu, hạn chế tương tác xã hội với mọi người xung quanh. Nhận thức được những điểm hạn chế của chương trình đào tạo trẻ năng khiếu, thành phố New York, Mỹ, đã hủy bỏ chương trình này, bất kể sự phản đối của phụ huynh.

Một số trẻ có thể có khả năng thiên bẩm về toán học, số khác thích nghệ thuật hoặc có em yêu âm nhạc. Tuy nhiên, trường học Nhật Bản không khuyến khích tài năng thiên bẩm. Thay vào đó, họ dạy rằng chỉ cần nỗ lực, bất kỳ ai cũng có thể thành thạo những kỹ năng họ muốn. Trẻ em có thể chưa biết cách thực hiện nhưng nếu không ngừng cố gắng, các em sẽ thông thuộc nó.

Văn hóa tự phê bình

Trẻ em được dạy về giá trị của nỗ lực và chăm chỉ ngay từ bậc mẫu giáo. Tại các trường, nguyên tắc trọng tâm là tạo nền tảng vững chắc cho trẻ, giúp các em mạnh mẽ cả về thể chất và tinh thần.

Trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên phản ánh chi tiết nỗ lực khám phá thế giới xung quanh của trẻ, thậm chí cả việc các em chưa thành thạo việc cất đồ chơi. Có thể coi đây là phê bình nhưng không mang hàm ý tiêu cực mà thúc đẩy các em cố gắng hơn.

Trong văn hóa của người Nhật nói chung và trong trường học nói riêng, có một khái niệm mang tên “hansei” (tự phê bình). “Hansei” ngụ ý rằng không ai và không có gì là hoàn hảo nên những lời chỉ trích giúp mỗi cá nhân đứng dậy sau vấp ngã.

“Hansei” không chỉ được sử dụng trong thất bại mà ngay khi thành công. Bất cứ điều gì có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn đều có sự xuất hiện của “hansei”.

Với học sinh, “hansei” giúp các em xác định bản thân đang nỗ lực đến đâu và đâu là cách đạt được mục tiêu. Trước mỗi hành động như làm việc nhóm, tham gia câu lạc bộ, học sinh được khuyến khích đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch hoàn thiện.

Điều này góp phần xây dựng cho trẻ tư duy cầu tiến và cảm giác làm chủ tương lai. Nếu muốn đạt kết quả tốt hơn, học sinh phải lập kế hoạch và thực hiện chăm chỉ.

 

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/giao-duc-giup-tre-mai-giua-tinh-kien-cuong-hhSriEN7g.html)


Tác giả: Phạm Khánh

Nguồn tin: Giáo Dục Thời Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

VĂN BẢN MỚI

Thông báo nhận bằng tốt nghiệp THCS

TB NHAN BANG

Lượt xem:26 | lượt tải:14

Kế hoạch củng cố chiến lược phát triển nhà trường năm 2024

KH CC CLPTNT

Lượt xem:97 | lượt tải:21

phan-cong-hki-nh-23-24-lan-2

PCLD2

Lượt xem:52 | lượt tải:27

ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 1 NĂM HỌC 2023-2024

DKTCKI

Lượt xem:63 | lượt tải:41

KH KIỂM TRA CUỐI HK I - NĂM HỌC 2023 -2024

KHKTCKI

Lượt xem:50 | lượt tải:31
Thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây